[Phần 2] Lựa chọn đèn pha LED như thế nào?
Đăng lúc: 27 May, 2018Bởi: AdminBình luận: 0

Nhóm 2: 

Đây là nhóm, hiện đang được anh em rất quan tâm, sau khi đã trải qua cảm giác đèn sáng mà như không của dòng led hàng chợ như C6, hoặc đã được đọc những cảnh báo như bên trên.
Nhóm này là những sản phẩm, do các nhà máy (thông thường ở Trung Quốc) mua nhân led từ các hãng tên tuổi như Philips, Cree, Osram và gia công thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

2 dòng chip LED tiêu biểu và được ưa chuộng nhất trong việc chế tạo đèn pha là Lumileds và CREE. Chip Osram hiện mới chỉ xuất hiện ở một số mẫu gương cầu LED, đèn pha LED chưa được phổ biến. Ngoài ra một số dòng chip khác cũng tương đối ổn như CSP, TX nhưng các loại đèn sử dụng những chip này này chiếm thị phần nhỏ và đa phần tập trung vào phân khúc giá rẻ, chất lượng gia công chưa tốt, nên trong bài viết này sẽ tạm thời bỏ qua.

Các đại diện tiêu biểu trong một số lượng lớn các mẫu ở phân khúc này có thể kể ra như: L5 (chip Cree XHP50), L7 và L8 (chip Cree XHP70), V8 (chip Cree XHP 35), P5 (Lumileds 45w, chip Luxeon MZ), 7G (chip Luxeon ZES)...

Anh em hết sức lưu ý: Tất cả hàng trên đều là hàng sử dụng chip nhập khẩu, nhưng toàn bộ khâu thiết kế và lắp ráp đều thực hiện tại Trung Quốc, do các nhà máy Trung Quốc thực hiện. (*)

Cách đặt tên hiện tại thông thường sẽ gây hiểu nhầm về nguồn gốc và thương hiệu của sản phẩm. Ví dụ: Rất nhiều anh em tới bây giờ vẫn tin tưởng rằng sản phẩm "Philips Lumileds 45w" là một sản phẩm của Philips chính hãng. Thực tế sản phẩm này không có một chút gì liên quan tới hãng Philips cả, như trong đoạn * in đậm bên trên khẳng định. Ngay cả chip led MZ thuộc về công ty Lumileds, nay cũng là một pháp nhân độc lập với Philips. Việc cố tình gán ghép chữ Philips vào như nhiều shop đang làm là rất vô duyên và có tính chất lừa đảo. Sản phẩm gốc vốn tên P5 và nhà máy họ không in một chữ Philips nào lên hộp của họ vì lí do bản quyền, nhưng một số đơn vị tại Việt Nam vẫn cố in hộp riêng với chữ Philips Lumileds lên trên.

Với các sản phẩm như Cree XHP70 L7 cũng có cùng 1 câu chuyện gần giống như trên. Có điều hãng Cree thì không sở hữu một mẫu đèn pha led ô tô, xe máy nào cả, nên cách gọi tên bớt nhạy cảm hơn, và cụm từ "Cree XHP70 L7" vẫn được đa số anh em chấp nhận mặc dù tên đèn chính thức từ nhà máy chỉ là L7. 

Vậy tại sao lại xuất hiện cách đặt tên kì lạ vậy? Câu trả lời do nhiều yếu tố: tâm lý khách hàng, vấn đề SEO từ khóa hay đơn giản vì do các đơn vị khác đều làm thế. Đây là một vấn đề tương đối nhạy cảm, nhưng anh em chắc cũng dễ dàng hiểu được ý của Admin, nên mình sẽ không bàn thêm nữa.

Admin chỉ nhấn mạnh một điều: Luôn phải trung thực về nguồn gốc sản phẩm và không mập mờ trong việc đánh lận các thương hiệu.

Hơi dông dài về cách gọi tên sản phẩm, nhưng mình nghĩ điều này cũng nên được lưu ý. Phần tiếp theo sẽ đi chi tiết các khía cạnh quan trọng khác.

Độ bền, sự ổn định:

Rất nhiều anh em nhầm tưởng là LED luôn cực kỳ bền và rất ít khi lỗi, vì thông số kỹ thuật các nhà máy đưa ra hay in trên vỏ hộp luôn là > 30.000 hay 50.000 giờ.

Có một trick nhỏ ở đây, thông số này đưa ra không sai, nhưng đó là tuổi thọ của chip LED mà Cree công bố, và nó hoạt động trong điều kiện cực kì lý tưởng, điều không thể làm được với bất cứ mẫu đèn pha LED nào. Con số đó không phải là tuổi thọ của đèn.

Vậy tuổi thọ thực tế của đèn sẽ là bao nhiêu lâu? Philips đưa ra con số tính trung bình khoảng 5000-6000h sử dụng cho sản phẩm Xtreme Ultinon LED của họ. Như vậy con số thực tế của các mẫu hàng gia công khác sẽ thấp hơn 5000 giờ.

Độ bền và độ ổn định của đèn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:

- Thiết kế đèn. Ở đây chúng ta sẽ cần quan tâm đến tương quan của chip led sử dụng - công suất thực tế của đèn - bộ phận giải nhiệt. LED đặc tính không tỏa nhiệt cao ra xung quanh đèn (bức xạ nhiệt), nhiệt độ chủ yếu của đèn tạo ra ở bên dưới chip LED. Tuy không gây nhiệt lớn, nhưng LED lại "sợ" nhất là nhiệt độ.

Ae có thể thấy vùng khoanh đỏ bên trên. "Maximum Junction Temperature" là nhiệt độ tới hạn tối đa cho phép của chip LED. 150 độ C là con số cao nhất với hầu hết tất cả các chip. Về nguyên tắc, việc giữ cho chip LED hoạt động ở nhiệt độ càng thấp hơn con số này, càng làm tăng tuổi thọ cho LED. Ae có thể quan sát ở ảnh vỏ hộp L8 ngay trên, khoảng nhiệt độ, nhà máy đặt ra cho đèn khi hoạt động là -40 ~ +75 độ C.

Độ sáng của đèn có thể thay đổi nhờ tăng giảm công suất (P) của chip LED, tuy nhiên việc thay đổi này có liên quan chặt chẽ tới thiết kế tản nhiệt của đèn, và đây chính là nguyên nhân chính cho giới hạn độ sáng (Lumen) của đèn pha LED hiện tại. Ví dụ: P max của chip XHP70 là 32w -~4022 Lm/ chip, nghĩa là 1 đèn sử dụng 2 chip có thể cho P max (bỏ qua công suất của quạt) là 64w ~ 8000 LM. Hai mẫu đèn sử dụng chip XHP70 nổi tiếng nhất hiện tại là L7 và L8 cũng chỉ cho công suất thực tế lần lượt là 40w và 45w, còn thua xa con số 64w. Với hệ thống làm mát hiện tại, đẩy công suất cao hơn nữa, sẽ rút ngắn tuổi thọ của đèn.

Cơ bản thiết kế của một hệ thống giải nhiệt tiêu chuẩn sẽ là một bảng PCB đặt ngay bên dưới chip LED, một "Heat tube" có tác dụng dẫn truyền nhiệt đến bộ phận giải nhiệt. Ở hệ thống này, có một khái niệm là "thermal conductivity" (độ dẫn nhiệt) cực kì quan trọng và thú vị. Tuy nhiên, để hiểu sâu sắc thì cần sự hiểu biết nhất định về kỹ thuật, các công tắc và nguyên tắc vật lý, nên mình sẽ viết một bài riêng cho vấn đề này.

Ae hiểu đơn giản là việc sử dụng những nguyên liệu khác nhau cho PCB và Heat tube có một ảnh hưởng lớn đến khả năng truyền nhiệt của đèn. Ad biết rất nhiều mẫu đèn tầm trung không có hoặc sử dụng PCB kém chất lượng, nên khi họt động thân đèn gần như không nóng lên chút nào, và tất nhiên chip LED phải hứng chịu một nhiệt độ rất cao và mau chóng bị suy giảm độ sáng rồi dẫn đến chết chip LED.

Bộ phận giải nhiệt của đèn hiện tại chủ yếu gồm 3 loại: quạt, hợp kim đúc nguyên khối, các lá (sợi) đồng tản nhiệt. 

Các mẫu đèn sử dụng quạt tiêu biểu có thể kể ra: Philips Ultinon H7 HIR2 HB3/4, Cree XHP70 L8, Lumileds 45w.

Hợp kim đúc nguyên khối: Philips Ultinon H4 H11, Luxeon ZES.

Các lá (sợi) đồng: Cree XHP70 L7, Cree XHP50 L5, Kenzo V8.

Các mẫu đèn giải nhiệt bằng quạt Philips gọi là công nghệ Air Cool. Hai phương pháp còn lại Philips gọi chung là công nghệ AirFlux. Về cơ bản, cách hoạt động bằng quạt, đèn sẽ chủ động giải nhiệt một cách liên tục, nên kết quả làm mát đèn nhanh hơn so với 2 cách còn lại. Mặc dù Philips hay các hãng khác thường mô tả AirFlux bằng hình ảnh các khối không khí di chuyển xung quanh hợp kim hay lá đồng, nhưng nó vẫn là một cách giải nhiệt khá thụ động. Bởi vậy mẫu đèn sử dụng quạt như Philips Ultinon H7 HIR2 HB3/4 luôn có thể đẩy công suất thực tế (hay độ sáng) lên cao hơn chút so với các phiên bản H11 H4. Việc tương tự cũng xảy ra với mẫu L7 và L8, khi 2 mẫu này cùng sử dụng 2 chip XHP70 nhưng L8 có thể đưa công suất tới 45w, trong khi L7 là 38-40w.

Một kết luận rất quan trọng, dù chủ yếu dựa vào quan sát tất cả các mẫu trên thị trường đèn pha LED trong 4 năm này của Ad: Việc duy trì sự ổn định (tuổi thọ) cho chip LED ở các mẫu đèn pha sử dụng chip LED công suất cao dạng như Cree XHP70, Cree XHP50 khó hơn rất nhiều so với chip LED công suất vừa phải như Luxeon ZES, Cree XML2. Khi đẩy công suất chip Luxeon ZES lên gần ngưỡng tối đa, việc xảy ra lỗi cũng rất hiếm, nhưng chip XHP70 hay XHP50, dù mới chỉ sử dụng khoảng 50-70% khả năng của chip, nhưng các hiện tượng chip LED bị vỡ, bị cháy, bị giảm độ sáng, bị mất màu xảy ra không phải là hiếm. Tất nhiên là điều này còn phụ thuộc vào cả yếu tố chất lượng gia công nữa, chứ không chỉ do thiết kế.  

<ảnh L7 bị hỏng chip>

Một so sánh cũng khá thú vị giữa L7 và V8 liên quan đến phần này (thú thực Ad rất hay nhận được câu hỏi của ae về việc so sánh giữa 2 dòng đèn này). Về mặt thiết kế Ad đánh giá rất cao thiết kế đèn của V8. Việc sử dụng chip XHP35 với công suất chip nhẹ hơn XHP70 và XHP50 nhiều lần + các lá đồng tản nhiệt của V8 có thể xòe bản to và rộng, nhờ đó tăng khả năng tiếp xúc với không khí nhiều hơn hẳn so với L7. Nghĩa là về mặt thiết kế, trên lý thuyết V8 khi hoạt động sẽ mát hơn L7 khá nhiều. Còn về mặt gia công thì sao? Câu trả lời nằm ngay phần tiếp theo.

Câu chuyện về mặt thiết kế đèn còn rất nhiều vấn đề thú vị, nhưng do khối lượng thông tin bài viết còn rất nhiều, Ad chưa thể phân tích cho ae hết trong bài viết này được, nên Ad sẽ hẹn trong các bài viết tiếp theo.

Chất lượng gia công.

Lĩnh vực đèn pha LED cho ô tô, xe máy có một đặc thù rất khác so với lĩnh vực đèn pha LED trang trí hay chiếu sáng. Đó là việc hư hỏng nếu có, thường lại xảy ra khi đang di chuyển trên đường, và trong nhiều trường hợp như khi đang trên đường rừng, việc thiếu đèn chiếu sáng khiến việc di chuyển gần như là không thể. Cảm giác đó sẽ thực sự rất gây ức chế cho bạn. Bởi vậy chất lượng gia công tạo nên sản phẩm cực kì quan trọng và cần được quan tâm không kém gì độ gom, độ sáng của đèn.

Có rất nhiều nhà máy bên Trung Quốc hiện đang tham gia vào việc sản xuất đèn pha LED và chất lượng sản phẩm thực sự có khoảng cách rất xa nhau. Cuộc chiến về giá do cạnh tranh nổ ra, khiến các nhà máy tìm cách cắt giảm chi phí tối đa. Hệ quả đáng tiếc, là thay vì áp dụng các qui trình sản xuất tinh gọn để giảm giá thành, rất nhiều nhà máy lại lựa chọn cách đơn giản hơn là tìm kiếm nguyên liệu giá rẻ đồng nghĩa chất lượng kém. Các khâu tập trung vào nâng giá trị sản phẩm như kiểm soát hoạt động lắp ráp, kiểm tra chất lượng sau hoàn thiện bị bỏ qua hoặc không thường xuyên, các hãng chỉ tập trung và PR với chiến lược giá rẻ, hậu quả tạo ra rất nhiều mẫu đèn pha LED chất lượng cực kì tệ, hay một sản phẩm dù được thiết kế tốt nhưng quá thiếu sự ổn định do chất lượng linh kiện kém hoặc lắp ráp quá ẩu.

Trong trường hợp bạn đang đến với nhóm 2 này, do giá Philips quá cao, còn nhóm 1 thì chip LED quá tệ, thì Ad khuyên bạn nên lựa chọn sản phẩm của các nhà máy lớn hoặc các sản phẩm có tên tuổi, đã được nhiều ae sử dụng. Điều đó sẽ đem lại cho bạn sự yên tâm cao hơn, bởi dù sao các nhà máy lớn ít bị kéo vào cuộc chiến về giá này hơn so với các nhà máy nhỏ mới nổi.

Tuy nhiên Ad luôn muốn nhấn mạnh với ae, tỉ lệ lỗi của các sản phẩm tên tuổi như P5 (Lumileds) 45w, L7, L8... dù thấp hơn nhiều so với những sản phẩm trôi nổi kia, nhưng các lỗi vặt vẫn xuất hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức. Vấn đề nằm ở khả năng kiểm soát chất lượng trong chu trình lắp ráp của các nhà máy không phải hoàn hảo và còn rất nhiều vấn đề.

- Lumileds 45w (P5): Ở thời điểm 2014-2016, Ad đánh giá rất cao mẫu này, vì so với các dòng led tam giác, CYT rẻ tiền thông dụng thời gian đó, Lumileds 45w tạo ra sự khác biệt rất lớn, nhờ việc sử dụng chip Luxeon MZ và tính năng điều chỉnh độ gom của đèn. Tuy nhiên, so với các mẫu đèn hiện tại thì Lumileds 45w dần lùi về sân sau. Chất lượng quạt của mẫu đèn này không thể so sánh với Philips Ultinon hay L8, sau một vài tháng sử dụng quạt trở nên khá ồn. Tỉ lệ lỗi driver, hư chip LED sau 1 năm sử dụng theo Ad đánh giá tương đối cao. Tất nhiên đây là một vấn đề khá nhạy cảm, nên các con số cụ thể Ad sẽ không đưa ra, không chỉ với Lumileds 45w mà cũng là với bất cứ dòng đèn nào.

- Lumileds 55w (P6):  Đây là bản nâng cấp của P5, với công suất đèn được đẩy lên cao tới 55w. Thực sự đây là một phiên bản nâng cấp rất lỗi của nhà máy. Tỉ lệ đèn bị hư hỏng chip LED chỉ sau 6 tháng sử dụng có những thời điểm lên tới trên 50%, nguyên do là thiết kế giải nhiệt không đủ làm mát cho việc đẩy công suất lên quá cao. Không chỉ khách hàng, mà cả các nhà phân phối đã gặp rất nhiều rắc rối với mẫu đèn này, vì tin tưởng P6 sẽ tiếp tục hoàn thiện dựa trên phiên bản P5 đã rất thành công. Mẫu đèn này giờ gần như đã biến mất khỏi thị trường Việt Nam chỉ sau 1 năm ra mắt.

- Cree XHP70 L7: Mẫu đèn này thống trị 2 năm liên, với việc lần đầu tiên (cùng với mẫu P70) sử dụng chip XHP70 của CREE cho cường độ sáng rất lớn, đồng thời đánh dấu xu hướng Fanless của các đèn pha LED trong giai đoạn 2016-2017. Điểm cộng nữa của đèn là cho phép thi công, lắp đặt trên xe rất dễ dàng, điều Lumileds 45w (P5) đã không thể làm được trên hầu hết các dòng xe. Thiết kế rất tốt, nhưng điểm trừ lại nằm ở khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm. Lỗi lớn nhất của L7 là driver rất kém ổn định. Ad cho rằng một đèn gọi là ổn định thì tỉ lệ lỗi cần dưới 5%, thậm chí khắt khe (như Philips) thì là dưới 1%. Tỉ lệ lỗi driver của L7, thực sự có vượt qua con số 5% đó. Như thừa nhận từ phía nhà máy, một phần nguyên nhân khách quan, thiết kế đèn công suất đèn cao, driver hoạt động rất nóng (70-100 độ C), do đó khó duy trì sự ổn định cao. Tuy nhiên cá nhân Ad thì cho rằng lỗi lớn hơn lại nằm ở khâu kiểm soát, kiểm tra chất lượng (Qualtiy Control). Thời điểm 4-7/ 2016, tỉ lệ lỗi driver với chuẩn chân HB3, HB4, H7 là 50%, tức là trong 1 hộp đèn vào thời điểm đó khả năng cao sẽ có 1 bóng bị lỗi. Nguyên nhân do có một lỗi trong quá trình sản xuất driver của đèn. Tất nhiên sau đó lỗi đã được khắc phục, nhưng sự kém ổn định của driver L7 vẫn là một vấn đề Ad luôn lo lắng, chỉ bởi mong muốn đạt được tỉ lệ dưới 1% mơ ước như của Philips.
Các lỗi liên quan tới lắp ráp khác ở sản phẩm này cũng có, dù vấn đề ít nghiêm trọng hơn. Ví dụ, các lá đồng được kẹp không chắc, bị rơi ra trong quá trình lắp ráp. Chip LED bị hư hỏng do quá nhiệt sau khoảng vài tháng sử dụng cũng có, nhưng tỉ lệ tương đối thấp và có thể chấp nhận được với các khách hàng dễ tính.

- CREE XHP50 L5: Mẫu đèn này ra mắt cùng lúc với L7 và cùng một nhà máy. Chất lượng gia công cũng khá tốt, nhưng vẫn gặp các lỗi tương tự như L7. Tỉ lệ driver bị hư hỏng thấp hơn, do công suất đèn thấp hơn.

Cree XHP70 L8: Đây là mẫu đèn mới nhất ra mắt tháng 1/2018, thường được gọi là bản nâng cấp trực tiếp của Cree XHP70 L7. 6 tháng chưa đủ để đưa ra nhận xét khách quan nhất. Nhưng với số lượng đèn L8 bán ra khá lớn với đầy đủ các chuẩn chân, Ad có thể "tạm" kết luận chất lượng lắp ráp và kiểm soát chất lượng của dòng đèn này đã tốt hơn L7 rất nhiều. Hiện tượng lỗi driver hay quá nóng gây hư chip LED, cũng đã xảy ra, nhưng tỉ lệ tới thời điểm hiện tại chưa không vượt quá 5%, và chỉ xảy ra ngẫu nhiên chứ không mang tính hệ thống. Ad sẽ update thêm về phần này sau 1 năm ra mắt. Vì khi thị trường đã chấp nhận L8, với số lượng sản xuất ra quá lớn và áp lực thời gian, khâu kiểm soát chất lượng của đèn có thể sẽ đi xuống. Rất nhiều dòng đèn gia công tại Trung Quốc đã xảy ra hiện tượng này.

Kenzo V8 (Cree XHP35): Mẫu đèn này hiện tại mới chỉ ra mắt chân H4. Trong các mẫu đèn mới nhất ra mắt sử dụng để lắp đặt cho xe máy chuẩn chân H4, thực sự Ad khá ấn tượng với dòng đèn này. Chip LED bé, khoảng cách giữa 2 mặt tim, điều chỉnh tiêu cự, tản nhiệt lá đồng to bản, điều chỉnh chế độ sáng. Về mặt thiết kế, đèn sẽ được chấm điểm rất cao khi so sánh với các dòng đèn LED gia công lắp đặt trên xe máy khác. Tuy nhiên về mặt lắp đặt hay kiểm soát chất lượng sản phẩm của V8 thực sự chưa có được sự ổn định cần thiết. Ví dụ công tắc điều chỉnh độ sáng của đèn thực sự khá kém, việc chập mạch điện hay nút bị giữ khiến đèn luôn sáng, xảy ra với tuần suất rất cao (>10%). Tỉ lệ này cao đến mức, Ad luôn tư vấn cho ae ko nên lắp nút công tắc này. Việc lỗi driver có thể thông cảm, vì điều này xảy ra với hầu hết các dòng LED gia công. Tuy nhiên, khi xảy ra việc hỏng chip LED, dù tỉ lệ không quá cao (<5%), nhưng cũng đáng báo động về khâu kiểm tra chất lượng lắp ráp thành phẩm, vì nếu lắp ráp đúng chuẩn thiết kế thì chip LED sẽ gần như không thể bị quá nhiệt. V8 cũng là mẫu đèn mới ra cuối năm 2017, nên Ad cũng kì vọng nó sẽ dần tốt hơn, để sau khi 1 năm, sẽ có được một review tổng kết xứng đáng với thiết kế của nó.

- Luxeon ZES. Mẫu đèn này ít được anh em chú ý hơn, Ad cũng nghĩ khá nhiều ae còn không biết đến nó. Tuy nhiên, với rất nhiều dòng xe, khi Ae sử dụng Luxeon ZES thì hầu như không có ý định chuyển sang dòng led nào khác trừ Philips Ultinon ra. Ad sẽ nói cụ thể hơn ở phần sau "Khả năng gom sáng". Còn ở chỉ tiêu "chất lượng gia công" trong phần này thì Luxeon ZES cũng dễ dàng được chấm điểm rất cao. Việc hư hỏng chip LED của đèn chưa từng được ghi nhận (tất nhiên cũng do việc sử dụng chip LED ZES cũng giúp đèn "mát hơn" do với các đèn khác.) Việc lỗi driver vẫn có xảy ra (như bất kì dòng led gia công nào), nhưng tỉ lệ này khá thấp. Các vấn đề lỗi vặt xảy ra sau 1 năm hầu như cũng chưa từng được ghi nhận. Việc chất lượng lắp đặt tốt có thể đến một phần từ việc dòng đèn này ít bị chịu áp lực về thời gian so với các mẫu đèn siêu "hot" như L7, nên nhà máy có nhiều điều kiện về kiểm soát chất lượng hơn. 

Khả năng gom sáng và độ sáng.

Đây là phần trọng tâm của bài viết và có lẽ cũng là phần quan trọng nhất của bài viết này. 

Việc lắp đặt

Bình luận :

Bình luận

0916643794